Đến với Huế, mảnh đất được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp nên thơ như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Ngân vang trong tiếng chuông chùa Thiên mụ là một khoảng không gian rộng mở của dòng Hương giang đang lặng lờ trôi. Trở lại với lịch sử hình thành và phát triển của Huế, theo các nhà sử học, tính từ năm 1306, khi vua Champa dâng 2 Châu Ô, Châu Rí cho nước Đại Việt dưới triều Trần (1225 – 1440) để cầu hôn công chúa Huyền Trân, đến nay Huế đã có ra đời được 700 năm. 700 năm là một chặng đường dài của những đổi thay, nhưng Huế vẫn giữ được cho mình một nét thơ, một nét nhạc như khúc nam ai nam bình đang dịu dàng cất lên từ bến sông Hương, để biết bao du khách phải nhớ, phải thương.
Con người xứ Huế vốn dĩ thông minh, tài hoa và rất cần cù, sáng tạo trong lao động. Từ rất lâu đời, do nhu cầu của cuộc sống của các vương triều phong kiến nhà Nguyễn (kéo dài 143 năm: 1802 – 1945 ) và do sự phân công lao động trong xã hội, vì vậy, nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng trên vùng đất Huế đã được hình thành, phát triển và tồn tại cho đến tận ngày nay. Trong số đó có những làng nón truyền thống như Phủ Cam, Đốc Sơ, Dạ Lê, Kim Long, Tây Hồ và làng nón Bài Thơ .
Có người hỏi rằng, nghề làm nón Huế đã có từ bao giờ? Có lẽ chưa thể có câu trả lời chính xác nhất. Tuy nhiên, theo những ghi chép còn sót lại của Lê Quí Đôn trong “Phủ biên tạp lục”, khi nhận xét về chiếc nón lá xứ Thuận Hóa ở thế kỷ XVI, XVII đã cho chúng ta biết rằng nghề làm nón lá Huế đã có từ khoảng hơn 300 – 400 năm về trước.
Về mặt hình dáng, chất liệu và công dụng, nón bài thơ xứ Huế cũng giống như nón cùng loại của một số địa phương khác trên cả nước. Tuy nhiên, nét đặc thù mang đậm dấu ấn phong cách Huế chính là dáng nón thanh tao mềm mại, màu trắng sáng xanh mát dịu của lá và những hình hoa văn được tạo rất khéo, bố cục cân đối nằm giữa 2 lớp lá, chỉ khi soi ra trước ánh sáng mới có thể nhận thấy được vẻ đẹp đầy thi vị của nó. Ở Huế, chiếc nón không chỉ để che nắng mưa mà còn là một loại phục trang kết hợp cùng tà áo dài màu tím đặc trưng, càng làm cho vẻ đẹp của người phụ nữ thêm uyển chuyển và mềm mại trên từng bước chân thong thả, dịu dàng.
Nghề làm nón ở Huế xuất phát từ nhu cầu của đời sống dân gian. Nón vừa là vật dụng khá tiện lợi, phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, giá lại rẻ, vì vậy, nón Huế rất được ưa chuộng. Nón Huế xuất hiện ở mọi nơi,tên các con phố nhuốm màu thời gian , trên khắp các cánh đồng làng. Chiếc nón lá theo người nông dân ra đồng, cùng tham gia quá trình lao động sản xuất .Khi về đến nhà chiếc nón lá còn được dùng để quạt mát, khi lật ngửa chiếc nón lá lại chiếc nón lá còn là nơi đựng đồ rộng dùng đựng những vật dụng cá nhân trong gia đình, nón lá còn có thể đựng trái cây, dùng để múc nước…
Nón lá còn là một phần không thể thiếu khi tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tà áo dài – chiếc nón lá đã trở thành một hình ảnh chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam vừa đẹp người, vừa đẹp nết, nhẹ nhàng và tinh tế.
Người phụ nữ Việt Nam không những đã sáng tạo ra chiếc nón bài thơ độc đáo mà còn làm cho nó có sức sống bền bỉ và đẹp hơn lên bằng chính tình yêu cuộc sống và tấm lòng nhân hậu thủy chung của mình .
Đặc biệt, chiếc nón bài thơ Huế vốn sinh ra và lớn lên trên quê hương Thuận Hóa thanh lịch, nơi hàng trăm năm trước đây từng là kinh đô lâu đời của triều Nguyễn và ngày nay đang trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của cả nước – di sản văn hóa của nhân loại – nên sức sống của nó ngày càng bền bỉ hơn cùng với những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng của Cố Đô .
Ngày nay chiếc nón bài thơ Xứ Huếđã đi xa hơn đến nhiều nơi trên thế giới Không chỉ vì vẻ đẹp nên thơ của chiếc nón mà còn vì tình yêu của du khách muôn nơi dành cho Huế.