Chùa Báo Quốc , ngôi chùa cổ tự linh thiêng nổi tiếng ở Huế với vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa trăm năm tuổi, mang nét đẹp văn hóa thờ tự từ thế kỷ XVII. Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ tự mà còn là một trung tâm tu học ở Cố Đô Huế.
Chùa Báo Quốc nằm ở đồi Hàm Long, xưa gọi là làng Thụy Lôi, gần với xóm Lịch Đợi nay nằm ở đường Báo Quốc, thuộc phường Phường Đúc, thành phố Huế… Ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông được xây dựng theo kiểu chữ Khẩu. Khuôn viên chùa rộng rãi, có đủ tháp mộ của các vị Tổ sư. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật quý báu mang giá trị văn hóa.
Sang đến thời Tây Sơn, chùa Báo Quốc bị chiếm dụng làm nhà kho chứa diêm tiêu. Đến năm 1808, Hoàng Hậu Hiếu Khương, vua Gia Long đã cho trùng tu, thái thiết ngôi chùa, xây tam quan, chú tạo nhiều tượng phật, đúc bảo khánh, đại hồng chung… Đại hồng chung nặng 826 cân ta, cao 1,4m, đường kính 1,2m nay vẫn còn. Ngoài việc tái thiết ngôi chùa, hoàng hậu Hiếu Khương đã xin 30 mẫu ruộng nước và 10 mẫu đất khô tặng cho chùa làm tự điền; và bà can thiệp lấy lại 22 mẫu đất bị chiếm đoạt dưới thời Tây Sơn để trả lại cho chùa. Cũng thời gian đó, Vua Gia Long chỉ dụ đổi tên chùa là Thiên Thọ Tự.
Năm 1824, vua Minh Mạng đến thăm chùa và sắc lấy tên “Báo Quốc Tự” , vì chữ Thiên Thọ để chỉ núi và lăng vua Gia Long là Thiên Thọ Sơn và Thiên Thọ Lăng. Nhà vua đã tổ chức đại giới đàn tại chùa nhân lễ tứ tuần khánh thọ vào năm 1830. Trong dịp này, nhà vua đã cho tổ chức sát hạch để cấp giới đao và độ điệp cho các nhà sư trong cả nước tinh nghiêm về giới luật.
Đến năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và hoàng thái hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chánh điện và các công trình khác. Đời vua Tự Đức và đời vua Thành Thái, nhiều buổi lễ lớn cũng đã được tổ chức ở chùa.
Chùa được xây dựng kiểu chữ “khẩu” trong khuôn viên rộng khoảng 2 hecta. Nhìn từ phía ngoài vào chùa là cổng Tam Quan, với những vài chục bậc thang cao, ấn tượng với cổng Tam Quan của chùa với những nét rêu phong cổ kính có từ lâu đời, quy mô đồ sộ.
Nhiều ngôi tổ đình ở Huế xây theo kiểu này: mặt trước là ngôi chánh điện, phía sau ngôi chánh điện hai bên có hai dãy nhà là nhà khách và tăng xá, sau cùng là nhà hậu. Các dãy nhà khép kín thành hình vuông trông giống chữ “khẩu” trong chữ Hán. Không gian ở giữa là vườn cây cảnh. Kiểu kiến trúc này đã tạo ra một không gian yên tĩnh, thoáng mát, có được ánh sáng lẫn hương vị hoa trái đến các dãy nhà.
Khu vực Chính Điện của chùa được xây dựng thành 3 gian 2 chái mang những nét trang trí công phu và độc đáo các trụ cột, bên vách tường với hoa văn bằng mảnh sành hay những họa tiết hình rồng. Ở bên trong chính điện là nơi thờ cúng trang nghiêm, thanh tịnh. Các tượng Phật được thờ trong chính điện đều đặt trang nghiêm trong khung kính. Án giữa thờ tượng Phật Tam Thế, đức Phật Thích Ca và hai tôn giả Ca Diếp, A Nan. Án hai bên thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng.
Ở khuôn viên của chùa Báo Quốc có tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát, phía bên trái là khu tháp Thổ và tháp Ngài Giác Phong cao 3,3m được xây dựng từ năm 1714.
Ngoài ra, ở dưới chân đồi của ngôi chùa còn có giếng nước nổi tiếng, gọi là giếng Hàm Long, bởi mạch nước ở giếng phun ra như vòi rồng, vì nước trong, thơm và ngọt, nên được người dân tiến dân các Chúa với sâu độ 5m đến 6m. Giếng nằm phía Bắc ngôi chùa, ngay dưới chân đồi Hàm Long, xuất hiện từ thời khai sơn khoảng năm 1674.
Ở giếng có một mạch nước phun ra tựa như vòi rồng. Sau này, nước giếng Hàm Long dùng để tiến dâng lên các Chúa, người dân không ai phép sử dụng. Do đó, giếng Hàm Long trở thành một giếng cấm, giếng thiêng trong truyền thuyết.
Viếng thăm Chùa Báo Quốc chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa cổ tự từ thế kỷ XVII, lắng nghe chuyện kể “giếng cấm” Hàm Long. Là chốn thanh tinh, yên tĩnh cho bạn trút bỏ những muôn phiền, bôn bề trong cuộc sống. Đến Huế đừng quên ghé thăm Chùa Báo Quốc – ngôi cổ tự danh tiếng của kinh đô Huế xưa.