Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng bởi các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, mà còn nổi tiếng với các điệu hò đa dạng và phong phú. Có người nói rằng, đến Huế mà chưa nghe Ca Huế thì xem như chưa đến Huế. Ca Huế trên Sông Hương là một nét đẹp văn hóa có từ bao đời nay của triều đình nhà Nguyễn, được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể trong quốc gia” vào năm 2015. Đây là một một chương trình biểu diễn của các nghệ nhân được tổ chức trên thuyề ngự trên dòng sông Hương thơ mộng.
Ca Huế trên dòng sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật rất độc đáo của người dân Cố đô Huế, trải qua hàng trăm năm nay ca Huế vẫn được người dân Cố đô gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay. Với những điệu hò xứ Huế, những câu hất nam ai, nam bình đi vào lòng người sâu lắng và trữ tình.
Khi màn đêm buông xuống, cầu Trường Tiền bắt đầu bật đèn với đủ các màu sắc thì cũng là lúc mà những chiếc thuyền rồng lần lượt nhổ neo, trôi chầm chậm ngược dòng sông Hương, đêm diễn ca Huế được bắt đầu. Thuyền rồng được gió đêm đẩy trôi nhè nhẹ trong màn đêm tĩnh lặng, khán giả trên thuyền, vừa được ngắm nhìn thành phố Huế thơ mộng qua cửa nhỏ trên thuyền, vừa thưởng thức các đờn ca tài tử chuẩn bị lên giọng.
Ca Huế mang âm điệu hài hòa giữa con người và âm nhạc, cùng với cảnh vật trên sông Hương thơ mộng trữ tình, cùng lênh đênh trên du thuyền êm ả cùng những điệu hò, câu ví dặm, nam bình sâu lắng chắc chắn bạn sẽ không thể quên trong chuyến hành trình đến Huế của bạn.
Ca Huế bao gồm khoảng trên 80 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã nhạc cung Huế. Ca Huế bao gồm 2 yếu tố là: ca Huế và đàn Huế. Ban nhạc diễn trên thuyền tuy không đông đúc như ở sân khấu trên cạn nhưng phải đủ 3 loại đàn: bầu, nhị, nguyệt, phách, những bản ca Huế đưa du khách quay ngược thời gian về những cung đình, những quá khứ vàng son.
Ca Huế có một hệ thống bài bản vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Ðiệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp… Ðiệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như: Nam ai, Nam bình, Tương tư khúc… Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như: thương, ai, xuân, thiền… để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa. Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật, về giáo dục thẩm mỹ, tình cảm, góp phần hình thành tính cách người xứ Huế.
Dàn nhạc để biểu diễn ca Huế gồm có nhạc công với trang phục áo the đầu đội khăn xếp, chơi các nhạc cụ đàn nhị, đàn nguyệt, sáo và đàn bầu. Các ca công là nữ với trang phục áo dài truyền thống và chơi các nhạc cụ sanh loan, sanh tiền.
Đêm ca Huế thường bắt đầu bằng những bản nhạc lễ cung đình Huế như “Lưu Thủy”, “Kim Tiền”, “Xuân Phong”, “Long Hổ”… Sau đó là những điệu hát dân gian như Lý Mười thương, Lý Giao duyên hoặc những điệu hát đối đáp đầy ngẫu hứng và duyên dáng.
Một chuyến thưởng thức ca Huế thường kéo dài 1 tiếng. Đến khoảng 21h, các thuyền rồng trên sông Hương lại đưa khách trở lại bờ trong vương vấn. Trước khi kết thúc cuộc vui, du khách còn được tham gia màn thả đèn hoa đăng độc đáo trên sông Hương. Đây là phong tục có từ lâu đời của người dân Huế với mong muốn cầu sự an lành.
Đến Huế du lịch bạn đừng quên đến thưởng thức Ca Huế trên dòng sông Hương thơ mộng. Một nét văn hóa nghệ thuật nổi bật còn lưu giữ ở Huế.