Lăng Thiệu Tri nằm tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Lăng có tên chữ là Xương Lăng, nơi an nghỉ của vua Thiệu Trị – vị vua thứ ba triều đại nhà Nguyễn. Một trong những di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.
So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng độc đáo, có thể coi là độc nhất vô nhị.
Trầm mặc mà thanh thoát, lăng Thiệu Trị khiêm tốn ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn, yên bình. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, lăng vẫn giữ được nét đẹp nguyên sơ hiếm có như chưa từng qua bàn tay con người trùng tu. Không phô trương hoa mỹ, đầy dung dị như chính cuộc đời chủ nhân của nó, không trăn trở nghĩ suy, không phức tạp mà mộc mạc thân quen vô cùng. Cảnh quan hài hòa với thiên nhiên, là một địa điểm du lịch tham quan không thể bỏ qua cho du khách khi có dịp đến Huế.
Thiệu Trị là con trai trưởng của vua Minh Mạng. Lên ngôi giữa tuổi 34, trị vì được 7 năm (1841-1847) thì qua đời, hưởng thọ 41 tuổi. Trong lúc hấp hối, nhà vua đã trăn trối với người con trai sắp kế vị rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Con đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân”.
Sau khi vua Thiệu Trị băng hà, vua Tự Đức đã sai các quan Địa lý đi chọn đất xây lăng theo ý nguyện của vua cha. Quá trình xây cất diễn ra nhanh chóng và gấp rút ở chân núi thấp cách Kinh Thành chừng 8km, ngọn núi ấy được đặt tên là núi Thuận Đạo và lăng ấy có tên là Xương Lăng. Chỉ sau ba tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành.
Thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau 8 tháng quàn tại điện Long An ở cung Bảo Định.
LỊCH SỬ XÂY DỰNG
Tháng 2/1948 Vua Tự Đức bắt đầu công cuộc xây dựng lăng mộ cho vua cha.
Tháng 3/1948 Xây dựng xong Toại đạo – đường hầm đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ.
Tháng 5/1948 Hoàn thành các công trình kiến trúc chính của lăng.
Tháng 6/1948 Vua Tự Đức thân hành lên lăng để kiểm tra lần cuối, trước khi làm lễ an táng vua cha.
Tháng 11/1948 Dựng xong tấm bia “Thánh đức thần công” với bài bi ký dài hơn 2.500 chữ do vua Tự Đức viết.
Tháng 3/2006 Bộ Văn hóa thông tin có quyết định trùng tu, tôn tạo Lăng vua Thiệu Trị, tổng kinh phí đầu tư hơn 106 tỉ đồng.
KIẾN TRÚC LĂNG THIỆU TRỊ
Lăng vua Thiệu Trị được xem là sự dung hòa hai mô thức kiến trúc của hai lăng: Lăng Minh Mạng và lăng Gia Long.
Trên phương diện phong thủy, lăng Thiệu Trị lại có nhiều nét gần gũi với lăng Gia Long, thể hiện ở việc sử dụng các ngọn núi tự nhiên và gò đất nhân tạo để làm bình phong, hậu chẩm. Ngoài ra, hai lăng còn giống nhau ở chỗ không xây La thành, khu vực lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Nếu La thành của lăng Minh Mạng là tường gạch, lăng Gia Long là đồi núi bao quanh, thì La thành của lăng Thiệu Trị là những cánh đồng lúa, những vườn cây xanh rờn. Chính vòng La thành đậm chất thôn quê này tạo cho cảnh quan lăng Thiệu Trị sự thanh thoát và yên bình.
Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng Toại đạo, Bửu thành hình tròn với hồ hình bán nguyệt bao bọc ở phía trước.
Toàn bộ công trình được thiết kế thành hai trục: Trục lăng nằm bên phải và trục tẩm (khu vực điện thờ) nằm bên trái. Hai trục cách nhau khoảng 100 mét.
Xét về phong thủy, lăng Thiệu Trị ở vào vị thế “sơn chỉ thủy giao”. Lăng quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế bấy giờ.
Phía trước, cách lăng khoảng 1 km có đồi Vọng Cảnh, bên trái có núi Ngọc Trản chầu về trước lăng theo vị thế “tả long hữu hổ”. Ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8 km đứng làm “tiền án” cho khu vực lăng, động Bàu Hồ ở gần hơn làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, ngoài ngọn núi Kim Ngọc ở xa, người xưa đã đắp một mô đất cao lớn làm “hậu chẩm” cho lăng. Trong phạm vi lăng có ba hồ bán nguyệt là Hồ Điện, hồ Nhuận Trạch, và hồ Ngưng Thúy cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên chạy ra bên phải, giao lưu với nhau bằng những đường cống xây ngầm dưới các lối đi.
Vua Thiệu Trị nằm đó, yên giấc ngàn thu trong khung cảnh thanh bình của đồng quê và sự quây quần của quyến thuộc, mặc thế sự đổi thay, mặc con tạo xoay vần.
Chếch về phía trước lăng là lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua).
Bên trái phía sau là Xương Thọ Lăng của bà Từ Dũ (vợ vua) và không xa phía trước là khu mộ “tảo thương” – nơi có nhiều ngôi mộ của các ông hoàng, bà chúa nhỏ bé, con vua Thiệu Trị. Tất cả quây quần, đoàn tụ với nhau. Chính khu lăng này là sự thể nghiệm nét đẹp giản đơn để 16 năm sau, một Khiêm Lăng trữ tình và thơ mộng ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vinh quang trong nghệ thuật kiến trúc triều Nguyễn.