Sắc màu rực rỡ giữa lòng Cố Đô – Làng Hương Thủy Xuân Huế

Sắc màu rực rỡ giữa lòng Cố Đô – Làng Hương Thủy Xuân Huế

Huế không chỉ có những điểm đến nổi tiếng đã làm nên hồn cốt của đất cố đô như Đại Nội – Kinh Thành Huế, chùa cổ Thiên Mụ,  cùng nhiều đền đài lăng tẩm của các vị vua mà  Huế còn là quê hương của nhiều di sản văn hóa và nhiều làng nghề độc đáo nổi bật là Làng Hương Thủy Xuân.

Làng nghề cổ truyền hàng trăm năm nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, là cung đường dẫn lên hai địa danh nổi tiếng khác của Huế là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh. Nơi đây cách trung tâm thành phố Huế chỉ 7 km về hướng Tây Nam nên khá thuận lợi và dể dàng cho việc di chuyển của du khách.

Ngôi làng xinh đẹp được phủ đầy cây xanh ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh bên dòng sông Hương thơ mộng hiện ra trước mắt du khách với những bó hương dựa vào nhau, xòe ra rồi bung tỏa như những đóa hoa lung linh và rực rỡ trong nắng .Thời điểm tuyệt vời nhất để ghé thăm làng hương là vào mùa hè. Vì đây là lúc thời tiết khô ráo, người dân nơi đây sẽ phơi những bó hương đã làm xong dọc khắp những tuyến phố và các con đường dưới ánh nắng chói chang.

Nếu được dạo bước trên con đường  đúng thời điểm này, du khách sẽ vô cùng “choáng ngợp” với hàng hàng lớp lớp những bó tăm hương đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, nâu, vàng,… rất bắt mắt  cùng hương thơm nhẹ nhàng. Các nghệ nhân làng hương không chỉ chú trọng đến chất lượng nguyên liệu tạo nên màu sắc rực rỡ của hương mà cũng rất tinh tế khi chọn ướp mùi thơm cho hương, không quá nồng nhưng đủ làm bạn cảm nhận được nét truyền thống bao đời người Việt Nam. Mùi hương Thủy Xuân gợi nhớ về mùi vị gia đình tụ họp những buổi tối hay dịp lễ Tết.

Những bó hương của làng hương Thủy Xuân Huế được sắp xếp ngay ngắn bung xòe khoe sắc đã trở thành một trong những địa điểm sống ảo ở Huế mới của giới trẻ. Vì chẳng cần phải diễn hay tạo dáng cầu kỳ gì mà cứ đứng vào là có ngay một album ảnh chẳng thua gì ảnh bìa tạp chí đâu nhé. Có thể nói rằng những tăm hương làm từ que tre nhỏ được vót nhọn và nhuộm thành nhiều màu sắc ấy làm bừng sáng cả một góc phố, cùng với màu nắng, màu mây trời lãng đãng trong xanh giữa mùa hè là phông nền vô cùng rực rỡ của những bức ảnh check-in nghìn like của nhiều du khách.

Tranh thủ lúc nắng hè còn rạng rỡ, hãy lên lịch đến Huế và đến Làng Thủy Xuân Huếngay đi bạn nhé để cùng vừa được du lịch, vừa trải nghiệm nhiều điều mới mẻ về nghành nghề cổ truyền của dân tộc và thu hoạch những bức ảnh đẹp nữa.

Du khách đến tham quan làng hương sẽ được tận mắt khám phá các công đoạn làm hương bằng thủ công. Bạn chắc chắn sẽ vô cùng thích thú khi tự tay se thử một cây hương và qua đó tìm hiểu thêm về nghề thủ công tryền thống  để hiểu thêm vềcuộc sống thường nhật của người dân làng Thủy Xuân xứ Huế.

Theo lời kể của nhiều nghệ nhân làng hương Thủy Xuân Huế thì nghề làm hương ở đây đã tồn tại hàng trăm năm dưới thời Triều Nguyễn mà cụ thể là khoảng 700 năm. Thuở xưa, đây là nơi cung cấp hương cho Triều đình, các phủ quan lại và nhân dân trong vùng Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Qua nhiều thế hệ, cha truyền con nối, người dân làng cổ này vẫn luôn duy trì nghề gia truyền để làm nên những cây hương trầm thơm ngát cho đời, phục vụ nhu cầu tâm linh của cũng như gìn giữ cái nghề truyền thống  của ông cha cho muôn đời sau.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Thủy Xuân đã sản xuất hương và đóng hàng đi đến nhiều tỉnh thành khác với nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau. Ngoài mục đích dâng và thắp hương, người ta còn dùng hương Thủy Xuân như một loại thảo dược để giúp giảm stress, mang lại sự thoải mái về tinh thần…

Hương “trầm” Thủy Xuân không dùng hóa chất mà có mùi thanh tao nhẹ nhàng được người dân Huế dùng nhiều trong việc thắp hương thờ cúng và vì vậy mà rất đắt khách. Những cây hương nhỏ nhắn mang hương vị đặc trưng của trầm nguyên chất và hơn hết là phải trải qua nhiều công đoạn bào chế, cần sự kỳ công, tỉ mỉ của người thợ mới làm nên một mẻ hương tốt.

Ngay từ khâu tuyển chọn nguyên liệu trầm rồi tỉ lệ trộn các loại hương vị thêm quế chi, hoa hồi, nụ tùng, đinh hương, thảo quả đều phải cẩn thận và khéo léo. Hơn thế nữa còn phải kèm thêm bột vỏ quả bưởi rừng cùng hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để tạo nên mùi hương hoàn thiện cho sản phẩm.

Người dân Huế xưa nay rất kỵ thắp loại hương bị tắt nửa vời, hay cháy bùng bất thường. Vì vậy mà phần lõi hương Thủy Xuân có yêu cầu là làm từ ruột tre khô chẻ nhỏ và phải được phơi nắng liên tục nhiều ngày trời để sao cho thật khô, thật giòn. Bởi chỉ có làm vậy thì khi đốt lên cây hương mới cháy đều đến tận chân hương mà không gãy ngang.

Ngoài ra, nguyên liệu để chẻ tăm hương phải cũng phải là loại tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền hay Phong Sơn. Công đoạn chẻ lõi cũng yêu cầu sự điêu luyện và dứt khoát của người thợ chẻ mới làm ra được từng loại chân hương theo đúng kích cỡ đại, trung, tiểu.

Hương thắp truyền thống thường sẽ có 2 màu cơ bản là đỏ và nâu. Tuy nhiên, để bắt mắt du khách hơn, những người thợ ở làng hương Thủy Xuân đã tìm tòi, sáng tạo phối thành nhiều màu để nhuộm chông làm nên những bó hương đủ màu sắc, xòe thành từng chùm. Khi dạo bước trên làng nghề làm hương trăm tuổi, bạn sẽ nhìn thấy đủ loại chân hương với các màu sắc: tím, vàng, xanh, hồng, đỏ…

Ngày nay, người dân làng hương Thủy Xuân Huế còn kết hợp nghề làm hương truyền thống với các sản phẩm du lịch và bày bán thêm các mặc hàng lưu niệm đặc trưng như tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm để tăng thêm thu nhập và cản thiện cuộc sống. Làng hương vốn là nơi lưu giữ nghề cổ truyền của dân tộc, cũng là nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô, địa điểm du lịch và chụp ảnh với view tuyệt đẹp nữa nên nếu đang có kế hoạch du lịch Huế thì đừng bỏ qua nơi này nhé.